Nâng tầm cho chè cổ thụ
Sinh ra ở thôn Bó Đướt, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên, Hà Giang), tuổi thơ của chàng trai người Tày Hà Ngọc Châm gắn với những gốc chè Shan Tuyết cổ thụ mọc chênh vênh bên vách đá, trải qua biến thiên của thời gian vẫn bền bỉ đâm chồi.
Người Tày, người Dao ở Bó Đướt, Đán Khao yêu những cây chè cổ thụ như máu thịt, họ chăm sóc bằng phương pháp thủ công, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thường xuyên chăm sóc, tạo tán để chè ra búp đều. Nhờ hương vị đặc trưng, vùng chè Shan Tuyết cổ thụ Thượng Sơn cũng đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
|
Hà Ngọc Châm với sản phẩm được hình thành ý tưởng khi còn ngồi trên ghế giảng đường Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Báo Dân tộc. |
Nhưng điều làm Châm trăn trở là người dân quê Châm chưa có thu nhập cao từ cây chè. Chính vì vậy, năm 2013, khi là sinh viên năm thứ 2 Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Châm đã có ý tưởng phát triển thương hiệu trà Shan Tuyết Bó Đướt.
Sau hơn 1 tháng, nhóm viết xong Đề án phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Bó Đướt. Khi ấy, thầy giáo Đặng Xuân Phi, thành viên Chương trình khởi nghiệp nông nghiệp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá rất cao và động viên nhóm gửi cho Chương trình khởi nghiệp quốc gia, rất may, đề án sau đó đạt giải Nhì. (Một đề án khác của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt giải Nhất).
Từ bệ phóng này, ra trường, về địa phương công tác, Châm bắt tay thực hiện ý tưởng đó và sản phẩm Phong Vân trà chính thức ra đời, được thị trường ưa chuộng.
Để đạt được ước mơ nâng tầm chè Bó Đướt, Châm tới từng nhà đoàn viên, thanh niên vùng chè cổ thụ ở thị trấn Việt Lâm và xã Thượng Sơn vận động tham gia Hợp tác xã (HTX) thanh niên Việt Lâm do Châm làm Giám đốc. Đã có 27 đoàn viên tham gia, số vốn lên tới 1,2 tỷ đồng trên vùng sản xuất 200ha.
Để nâng cao chất lượng chè Bó Đướt, Châm vận động bà con áp dụng máy móc vào sản xuất từ khâu hái chè, vò chè, sao chè, nghiên cứu khử mùi chát, đắng của chè cổ thụ.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay HTX thanh niên Việt Lâm đã bước đầu xây dựng thành công thương hiệu “Chè Phong Vân” với nhiều loại sản phẩm phong phú. Năm 2019, HTX cho ra đời khoảng 600 tấn chè tươi, tạo công ăn việc làm cho trên dưới 60 lao động. Doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng.
Dự án nhỏ nuôi ước mơ lớn
Tại buổi tọa đàm tư vấn trực tuyến chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020, TS Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác chính trị và công tác sinh viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trưởng ban tổ chức cho biết, đây là cơ hội rất lớn để các bạn sinh viên thực hiện ước mơ của mình.
|
Toàn cảnh buổi tọa đàm, tư vấn trực tuyến chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020. |
"Chỉ cần các bạn có ý tưởng khởi nghiệp, đừng ngại ngần, hãy viết đề án, nếu đề án có triển vọng, Ban tổ chức sẽ cử chuyên gia hỗ trợ các bạn về vốn, thị trường" - TS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thắng, dự án khởi nghiệp ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể tham gia, nhưng Ban tổ chức luôn chào đón những dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp.
"Tuổi trẻ rất ngắn ngủi, các bạn sinh viên hãy làm cho tuổi trẻ của mình trở nên ý nghĩa hơn bằng những hoạt động như thế này. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các bạn nếu ý tưởng hay" - ông Thắng nói.
Được biết, chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam gồm 3 vòng với nhiều hoạt động bổ ích:
Vòng 1: Tuyển chọn ý tưởng. Ban tổ chức sẽ thu các ý tưởng dự án từ nay đến hết tháng 7/2020. Các ý tưởng được trình bày ngắn gọn trong 2 trang A4, theo mẫu của Hội đồng khởi nghiệp quốc gia.
Vòng này tập trung phát hiện các ý tưởng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các vấn đề thiết thực trong thực tiễn…
Vòng 2: Xây dựng, phát triển và hoàn thiện dự án. Ban tổ chức tổ chức chấm ý tưởng dự án, tìm ra các ý tưởng xuất sắc, có giá trị để tiếp tục hỗ trợ các nhóm thanh niên, sinh viên phát triển thành các đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mời các chuyên gia hàng đầu tổ chức các lớp đào tạo kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tư vấn hướng dẫn các nhóm sự án hoàn thiện ý tưởng và dự án khởi nghiệp;
Vòng 3: Chung kết. Ban tổ chức và hội đồng giám khảo tổ chức đánh giá tìm ra 5 dự án xuất sắc vào chung kết Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 vào tháng 10/2020. Hỗ trợ các nhóm dự án hoàn thiện sản phẩm, phát triển các giai đoạn tiếp theo.
Căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng Giám khảo, Ban tổ chức sẽ trao: 01 giải Nhất 30 triệu đồng; 01 giải Nhì 15 triệu đồng; 02 giải Ba 7 triệu đồng/giải, tổng trị giá 14 triệu đồng; 02 giải Khuyến khích 5 triệu đồng/giải, tổng trị giá 10 triệu đồng; 1 giải dự án được yêu thích nhất, trị giá 2 triệu đồng.
Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ đào tạo, tư vấn chuyên sâu cho 15 dự án xuất sắc nhất tham gia Chương trình khởi nghiệp quốc gia; Hỗ trợ 05 dự án xuất sắc nhất tham gia chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2020 - Techfest 2020; Hỗ trợ 02 dự án xuất sắc nhất tham gia Chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế 2020.
Khánh Nguyên-https://danviet.vn/