Chiều ngày 29/6/2020, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ActionAid Quốc tế tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa”.

 

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
 

Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) là chương trình nghiên cứu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thành lập ngày 22/5/2020 và thực hiện ngay trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra. Chương trình là mô hình hoạt động của nhóm nghiên cứu tinh hoa được xây dựng theo đề án khuyến khích nghiên cứu khoa học của Học viện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Với 2,6 triệu lao động, ngành đang giải quyết gần 5% tổng số lao động và đóng góp 12,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam. Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba với giá trị gần gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng nông sản. Nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Lần đầu tiên, tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt và ngành may mặc đều bị suy giảm.

PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
 

Hội thảo công bố báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” là một trong những hoạt động mở đầu cho hợp tác giữa Học viện và tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam. Sự khởi đầu này có ý nghĩa mở ra nhiều hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả nhằm tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Phạm Bảo Dương cho rằng: “Thời gian này và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn của ngành dệt may. Trong bối cảnh đó, báo cáo nhằm phân tích thực chứng những tác động của tình hình kinh tế thế giới đến triển vọng ngành dệt may Việt Nam. Đây là một nghiên cứu nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn không chỉ đối với ngành dệt may mà còn cả công chúng và truyền thông”.

 

 

Báo cáo tại hội thảo, TS. Phạm Sỹ Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu, Giám đốc chương trình MCSS cho biết: “Covid-19 tác động rất tiêu cực đến cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may. Xét theo các thị trường chủ chốt, 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU giảm 19%. Với hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị gia tăng thêm cho ngành”.

TS. Phạm Sỹ Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu, Giám đốc chương trình MCSS trình bày báo cáo
TS. Phạm Sỹ Thành - Trưởng nhóm nghiên cứu, Giám đốc chương trình MCSS trình bày báo cáo
 

Cũng theo báo cáo, ngành dệt may Việt Nam không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên rất khó tận dụng lợi thế của các FTA. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam rất thấp là không tự chủ được vấn đề xuất xứ hàng hóa. Ghi nhận đến năm 2020, Việt Nam đã ký và có 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đợi phê chuẩn và đang đàm phán 3 FTA khác. Việc kí kết FTA (song phương và đa phương) đem lại cho ngành dệt may những ưu thế cạnh tranh xuất khẩu vô cùng to lớn.

Ngoài những tác động đến kim ngạch xuất nhập khẩu, kết quả báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn về lao động của doanh nghiệp dệt may. Theo số liệu điều tra vào tháng 4/2020 với hơn 3000 doanh nghiệp đã cho kết quả ngành may mặc có số lao động chỉ còn khoảng 20% và doanh nghiệp dệt chỉ còn 24,5% số lao động so với cùng kỳ năm ngoái.

Để giải quyết những khó khăn này, TS. Phạm Sỹ Thành cho rằng rất cần có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp. Bởi, hiện nay còn quá ít doanh nghiệp dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ. Ngoài ra, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp dệt may, việc giãn, giảm hoặc miễn thuế không có nhiều tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp của ngành; quy định hoãn đóng bảo hiểm xã hội hiện chưa hợp lí, và người lao động không được hỗ trợ hiệu quả, trong bối cảnh Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động bị buộc thôi việc do Covid-19 nhưng rất khó tiếp cận do thủ tục quá rườm rà.

Trước mắt để ứng phó với Covid-19, nhiều doanh nghiệp dệt may ưu tiên cắt giảm chi phí thường xuyên và thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hơn là lựa chọn cắt, giảm lao động. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp lo ngại sẽ không tuyển dụng lại được lao động khi thị trường khôi phục, hoặc vẫn cần sản xuất cầm chừng để giữ thị trường và thị phần.

Vì vậy, dựa trên những phân tích nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất những khuyến nghị chính sách cả với doanh nghiệp và với Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và nhanh chóng chuyển đổi để thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng của tình hình tương lai.

 

TT QHCC&HTSV