Mới đây, trên mạng xã hội đăng tải bức ảnh chụp từ trên cao tấm bản đồ Việt Nam được tạo nên từ những cây lúa. Tấm bản đồ đặc biệt với diện tích 150,77m2 (tính bằng phương pháp chụp ảnh trên phần mềm ImageJ, gồm toàn bộ phần đất liền và các quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quốc), được nhiều người chú ý bởi, hình ảnh đất nước Việt Nam và cây lúa là những điều gắn bó mật thiết với nhau từ bao đời nay.
|
Hình ảnh từ trên cao vô cùng ấn tượng của tấm bản đồ hình chữ S thân yêu. |
|
Tấm bản đồ Việt Nam với đầy đủ hình ảnh quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và đảo Phú Quốc được ghép từ những cây lúa – biểu tượng gắn bó lâu đời của dân tộc ta. |
Ý tưởng độc đáo này được thực hiện bởi các giảng viên bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng và sinh viên câu lạc bộ Chọn giống cây trồng thuộc khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Giống lúa thuần chất lượng cao ĐH12 do thầy Trần Văn Quang (Trưởng khoa Nông học, Giảng viên Bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng) và cộng sự chọn tạo được sử dụng trong mô hình này.
Bản đồ hình chữ S từ những cây lúa vàng một phần tạo dấu ấn, tạo mô hình cho sinh viên học tập, thể hiện sự sáng tạo, trẻ trung đối với công việc đồng áng; một phần giúp nâng cao tình yêu với nông nghiệp, tạo thêm những nét riêng, thú vị cho sinh viên Học viện.
|
Thầy Trần Thiện Long (bên phải). |
Thầy Trần Thiện Long (giảng viên khoa Nông học) chia sẻ: “Dự án bắt đầu từ tháng 2 nhưng do tình hình dịch Covid-19 nên tiến độ có sự ảnh hưởng nhất định.
Do lúc triển khai đang trong đợt dịch toàn dân tự cách ly theo chỉ thị của Thủ tướng, nên nhân lực hạn chế và cũng không tập trung được đông người, do đó chỉ có một số ít các bạn sinh viên và giảng viên ở lại.
Một điều khó khăn nữa là vấn đề thiết kế sơ đồ, đặt vị trí sao cho trên bản vẽ và thực tế được đúng tỉ lệ tương đối nhất. Cuối cùng nhìn lại thành quả thì tôi cảm thấy thật sự vui và tự hào, đó là sự cố gắng của cả tập thể giảng viên và sinh viên khoa”.
|
Học viện Nông nghiệp Việt Nam được biết đến là một trong những ngôi trường sở hữu khuôn viên xanh mát, thoáng rộng. |
Cũng theo chia sẻ của thầy Thiện Long, giảng viên và sinh viên phân công thời gian, chia đều công việc, chăm sóc theo dõi định kỳ để cây lúa phát triển ổn định đồng đều. Có lẽ đây sẽ là kỷ niệm khó quên đối với sinh viên, giảng viên trong suốt thời gian thực hiện dự án.
Tấm bản đồ ghép bằng lúa - một biểu tượng quen thuộc, lâu đời của dân tộc ta cũng như một lời khích lệ để thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước của cha ông để lại. Từ đó, tạo động lực để các em cố gắng học tập, phấn đấu bảo vệ, phát triển đất nước ngày một giàu đẹp.
|
Màu xanh mơn mởn biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, cũng là niềm hy vọng về tương lai tươi sáng. |
|
Hình ảnh ấn tượng về tấm bản đồ đặc biệt hiện vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều người. |
Khi lúa vào thời kỳ chín, tấm bản đồ hình chữ S được hiện lên rất rực rỡ. Đây được ví như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, là mô hình nông nghiệp thực tế kết hợp từ giống lúa mới chất lượng, đem lại giá trị dinh dưỡng cao, đồng thời tạo điểm nhấn trên đồng ruộng.
Tuệ Nhi - https://dantri.com.vn/